Ông lão trong túp lều tranh ‘cưa đổ’ cô thôn nữ xinh đẹp kém 43 tuổi
Ban đầu, cô thôn nữ xinh đẹp ở Hà Nam chỉ cảm thương mà thường xuyên lui tới giúp đỡ ông lão cô đơn, rồi chả biết từ lúc nào, cô đã “đổ” và tự nguyện về sống với ông lão hơn cô tới 43 tuổi…
Chị Bích nói: “Thương ông lão còm cõi lúc tuổi già nên bỏ mặc sự khuyên can người thân và xóm làng“.
Về xã Bình Nghĩa (Bình Lục, Hà Nam) nhắc đến câu chuyện tình như trong mơ của cô thôn nữ Nguyễn Thị Bích (sinh năm 1983) hiền lành, xinh đẹp tự nguyện về sống với ông lão hơn cô 43 tuổi trong túp lều tranh xiêu vẹo thì chẳng ai không biết.
Chồng của chị Bích là ông Ngô Thanh Học (sinh năm 1940), chị Bích kể, từ khi ông Học về làng sống trong căn nhà lụp xụp, chị hay sang nhà giúp đỡ ông và trò chuyện cùng. Thế rồi, cái duyên đến từ lúc nào chẳng hay, trong suy nghĩ, chị chỉ muốn được chăm sóc, đỡ đần cho ông lão buồn tủi này.
Bởi từ thuở nhỏ, chị đã phải sống trong tình cảnh hai mẹ con đùm bọc, dựa dẫm vào nhau mấy chục năm trời. Nỗi cô đơn, thiếu hơi ấm tình thương từ người thân chị thấu hơn ai hết.
Và rồi chị ngỏ lời với gia đình và họ hàng về chuyện sang sống cùng ông lão trong thôn. Nghe chuyện, người thân trong nhà không một ai đồng ý, người nào cũng mắng và ra sức ngăn cản chị.
Chị biết, họ hàng ngăn cản cũng bởi họ thương chị, về sống với ông lão nghèo trong căn lều lụp xụp thì chị biết trông cậy vào ai…
Nhắc lại chuyện cũ, chị Bích tâm sự: “Họ hàng không ai đồng ý cho lấy ông ấy đâu, nhưng mà mình thích thì mình cứ lấy thôi!. Biết rằng lấy ông sẽ khổ lắm bởi không biết ông sống được bao nhiêu lâu. Nhưng mà, biết làm thế nào cái duyên số nó vậy”.
Về ở với nhau hai năm vợ chồng chị mới đi đăng ký kết hôn, hai năm sống trong căn nhà chắp vá chỉ có “một già, một trẻ” nương tựa vào nhau lòng chị buồn vời vợi. Nhưng khó khăn nào rồi cũng qua đi, mới đó mà vợ chồng chị về với nhau cũng đã được 7 năm…
“Chị xem giờ vợ chồng tôi có hai đứa con, bé trai tên Ngô Thanh Tiên và bé gái Ngô Thanh Thu. Lúc nào gia đình cũng đầy ắp tiếng cười. Chỉ cần vắng nó một ngày thôi thì buồn lắm…” – chị Bình tự hào nói.
Căn nhà của gia đình ông Học trước kia.
“Nhớ cái hồi chuẩn bị lấy ông ấy, người dân bàn tán ghê ghớm lắm. Họ bảo tôi đi làm thuê rồi lăng nhăng với trai nên trở về quê mới lấy ông lão làm chồng. Thế nhưng, tôi vẫn nín nặng, chịu đựng mọi lời ra tiếng vào”, chị Bích trải lòng.
Cuộc sống của vợ chồng chị chật vật hơn từ lúc chị sinh con. Trong nhà chẳng có đồng nào để mua quần áo hay thức ăn cho con. Chồng chị già yếu vẫn phải hằng ngày đạp xe đạp đi hơn chục cây số lên chợ Bầu đi làm để phụ giúp chị nuôi con. Cuộc sống khó khăn, vợ chồng chị phải chắt bóp, chi tiêu dè xẻn để nuôi được 2 đứa con nhỏ.
Chị bảo, cũng may trước kia chồng chị đi bộ đội nên nay mỗi tháng được lĩnh hơn 1 triệu tiền chính sách. Số tiền đó tuy không lớn nhưng trong giai đoạn khó khăn, nó cũng đã hỗ trợ không nhỏ cho vợ chồng chị.
Năm trước, nhà nước hỗ trợ gia đình chị xây một ngôi nhà lợp tôn cao ráo, sạch sẽ thay vì ngôi nhà dột nát trước đây. Nhưng đến nay, vợ chồng chị cũng đang chật vật để vừa nuôi 2 con nhỏ, vừa trả số nợ vay thêm để làm nhà.
Dù số tiền ấy không nhiều nhưng vợ chồng chị cũng chưa biết đến khi nào mới trả hết nợ. Chị tâm sự, mẹ chị sức khỏe yếu không trông được cháu, phía đằng nội cũng không nhờ vả được ai.
Những lúc ốm đau, chỉ có ba mẹ con chị bồng bế ôm nhau vào viện, chồng chị già yếu có khi hai ngày mới vào thăm vợ con một lần. Chồng không chăm con và đỡ đần được cho chị nhiều.
Chị bảo, giờ một nách hai đứa con thơ, chị chỉ mong con lớn nhanh để chị đi làm công nhân cho cuộc sống bớt khổ…
Leave a Comment