Ý tưởng “biến TP.HCM thành Thượng Hải” của Bí thư Thăng không hề xa vời!
“Những ý tưởng này cũng đã thảo luận đi thảo luận lại nhiều lần và bây giờ cũng đã chín muồi rồi. Giờ chỉ còn là vấn đề quyết tâm mà tôi tin đồng chí Đinh La Thăng rất quyết tâm triển khai”, TS kinh tế, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch nhìn nhận về ý tưởng biến TP.HCM thành Thượng Hải của Bí thư Đinh La Thăng.
Tại hội nghị lần thứ 4 BCH Đảng bộ TP.HCM khóa X, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng có nói về việc đưa TP.HCM phát triển như Thượng Hải (Trung Quốc).
Là một chuyên gia về kinh tế lâu năm và hiểu sâu về TP.HCM, ông đánh giá thế nào về ý tưởng này?
– Tinh thần tháo gỡ cơ chế để TP.HCM có thể phát triển tương xứng với tiềm năng của mình mà Bí thư Thăng vừa nói là điều rất cần được ủng hộ.
Tôi đồng tình với đánh giá của ông Thăng khi cho rằng, những cơ chế cho TP.HCM hiện như một cái áo quá chật cho một cơ thể đang phát triển rất nhanh và mạnh.
Tôi đã nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ cũng như đề cập tới vấn đề này khi xây dựng pháp luật.
Đó là chúng ta đang tổ chức mô hình quản lý Nhà nước theo kiểu hành chính địa phương. Chúng ta đồng nhất vấn đề hành chính với tổ chức bộ máy, thành ra sẽ nảy sinh bất cập kiểu như TP.HCM có cái gì thì một tỉnh miền núi cũng có cái đó.
Qua quyết tâm của ông Thăng, tôi thấy Bí thư Thành ủy đã nhìn thấy những bất cập này.
Tại hội nghị lần thứ 4 BCH Đảng bộ TP.HCM khóa X ngày 27.3, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho rằng TP từng có vị thế kinh tế số một khu vực.
Tuy nhiên, hiện thành phố đã tụt hậu không những so với khu vực mà còn thua một số tỉnh trong nước.
Bí thư Thăng nhấn mạnh: “TP.HCM phải trở thành một đặc khu kinh tế như Thượng Hải với những cơ chế đặc biệt để phát huy được tiềm năng thế mạnh của mình. Ngoài ra, thành phố phải xây dựng cơ chế quản trị, phải học tập mô hình từ các thành phố hiện đại trên thế giới”.
Còn theo tôi, với tư cách một người tham gia xây dựng Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị năm 2002 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2010 (và mới nhất là Nghị quyết 16 năm 2013 của Bộ Chính trị về phát triển TP.HCM đến năm 2020), tham gia biên tập Đề án mô hình chính quyền đô thị, tôi cho là hiện nay, TP.HCM có thuận lợi hơn để tổ chức mô hình chính quyền đô thị.
Bởi TP.HCM có hai công cụ, cũng chính là hai bửu bối, chính là Nghị quyết 20 và mới đây là Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, trong đó có một đoạn rất quan trọng là “vấn đề gì mà luật pháp chưa quy định hoặc thấy chưa phù hợp thì thành phố có thể đề nghị Chính phủ cho làm thí điểm”.
Thêm nữa, Luật Chính quyền địa phương đã quy định đặc điểm chính quyền đô thị cụ thể ra sao. Và cuối cùng, một điều rất quan trọng nữa là Quốc hội đã cho phép thành lập cái gọi là “thành phố trong thành phố”.
Với những công cụ đó, tôi cho rằng TP.HCM có thể tiếp tục triển khai đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị.
Vậy ông muốn nói tới việc TP.HCM sẽ trở thành một đặc khu kinh tế, hành chính như một số mô hình khác trên thế giới?
– Tôi không cho như vậy. Thực sự trước đây 20 năm, TP.HCM đã nghiên cứu mô hình đặc khu, nhưng chỉ chọn một phần phía Nam để thí điểm thôi, không thể làm cả TP được.
Và hiện nay T.Ư đã chủ trương có 3 đặc khu hành chính là Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong thôi vì đó là những nơi quá nhỏ bé, hẻo lánh và khó khăn.
Đặc khu là gì? Hiểu nôm na, nó là quốc gia trong quốc gia. Mà như vậy thì tôi nghĩ rằng không nên hiểu TP.HCM là đặc khu kiểu đó mà TP.HCM là một chính quyền đô thị, giống như Thượng Hải.
Tôi nói lại, Thượng Hải là một chính quyền đô thị đầy đủ chứ không phải là đặc khu kinh tế như Thâm Quyến.
Như vậy nếu áp dụng mô hình mới, TP.HCM sẽ được tự chủ về tài chính, không phải phụ thuộc vào T.Ư nữa thưa ông?
– Tôi cho rằng căn cứ Luật ngân sách chúng ta phải kiến nghị lại. Theo Luật, những khoản thu nào của địa phương thì để địa phương, những khoản thu nào của T.Ư và địa phương thì chia ổn định T.Ư – địa phương trong 5 năm.
Còn khoản nào theo luật của T.Ư thì TP phải có nhiệm vụ thu cho T.Ư. Cứ thế mà thực thi, cái của địa phương thì để HĐND TP quyết và thực hiện.
Tôi nghĩ cơ chế tài chính cứ như vậy mà làm thôi, cứ thế tự quyết tự chịu trách nhiệm. Chứ không nên lồng ghép nhập nhằng không rõ ràng, rồi phải xin lên xin xuống. Và theo quan điểm của tôi cũng không nên có chuyện thưởng thu ngân sách.
Hiện giờ đã có Luật Thủ đô, liệu có nên có luật riêng cho TP.HCM?
– Quan điểm của tôi là không nên có luật riêng cho TP.HCM. Những cái đó sẽ không có tác dụng gì nhiều. Tôi cho rằng cái gì mà gỡ được cơ chế thì càng tốt.
Và tôi nói lại, TP.HCM có bửu bối chính là Nghị quyết 20 và Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị cho phép mạnh dạn áp dụng cơ chế riêng.
Theo ông, ý tưởng này của Bí thư Đinh La Thăng phải mất bao lâu mới thành hiện thực. Liệu có xa vời thực tế quá không?
– Tôi cho là không có gì xa vời cả. Chúng ta phải khởi động luôn, bắt tay vào làm luôn. Những ý tưởng này cũng đã thảo luận đi thảo luận lại nhiều lần và bây giờ cũng đã chín muồi rồi.
Giờ chỉ còn là vấn đề quyết tâm mà tôi tin đồng chí Bí thư Đinh La Thăng rất quyết tâm triển khai. Có cái lợi nữa là bộ phận thực hiện đề án còn nguyên ở đó.
TS kinh tế, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch.
Tôi cũng cần nhắc lại mô hình của TP.HCM trước đây tôi đã nghiên cứu ở rất nhiều nơi: Thượng Hải (Trung Quốc), Pusan (Hàn Quốc), Paris (Pháp)…
Và trong điều kiện của ta thì tôi thấy mô hình Thượng Hải là phù hợp nhất với TP.HCM. Ví dụ Thượng Hải quy định rất rõ, ông thị trưởng nắm cái gì, còn lại giao cho các cục, sở bên dưới.
Cũng cần phải có một đơn vị riêng nghiên cứu chính sách như TP.HCM đã có Viện nghiên cứu chính sách. Còn việc quản lý, triển khai giao cho các sở bên dưới, anh chỉ việc làm thôi.
Chứ không để như tình trạng hiện nay, anh vừa nghiên cứu vừa tự triển khai, thành ra cái gì dễ thì anh dành phần anh, cái gì khó anh đẩy cho người ta.
Nếu được áp dụng mô hình này, tôi cho rằng TP.HCM sẽ có bứt phá mạnh, vì có cơ chế tốt để huy động được nguồn lực và xây dựng được một nền hành chính phục vụ.
Xin cảm ơn ông!
Theo VnExpress, Khu vực Thương mại tự do Thượng Hải (Shanghai FTZ) được thành lập tháng 9.2013 với diện tích 28,78 km2, bao gồm 4 đặc khu kinh tế hiện có ở quận Pudong.
Đó là Khu Thương mại Tự do Waigaoqiao, Khu Logistics Thương mại Tự do Waigaoqiao, Khu Cảng biển Thương mại tự do Yangshan và Cảng Hàng không thương mại Tự do Pudong.
Thượng Hải hiện là trung tâm tài chính của nền kinh tế lớn nhì thế giới.
Sau này, diện tích của Shanghai FTZ được mở rộng lên 120,72 km2, bổ sung thêm Khu Tài chính Lujiazui Financial, Khu chế xuất Jinqiao, Khu công nghệ cao Zhangjiang và Khu phát triển Expo.
Việc này nhằm tăng quy mô khu vực thực hiện cải tổ thử nghiệm. Đây là mô hình thương mại tự do đầu tiên (ngoài Hong Kong) tại Trung Quốc.
Shanghai FTZ được kỳ vọng giúp thành phố này trở thành một trung tâm tài chính quốc tế chính thức trước năm 2020, Diplomat cho biết.
Shanghai FTZ tập trung cải tổ thủ tục hành chính (đặc biệt là hải quan), đẩy mạnh logistics, vận tải và các dịch vụ chuyên nghiệp, như giáo dục và luật. Shanghai FTZ cũng là nơi thử nghiệm các chính sách tài chính của Trung Quốc trước khi được áp dụng rộng rãi.
Thời hạn thông thường là 3 năm.
Leave a Comment